Thị phi như GESHA/ GEISHA
Thị phi như GESHA/ GEISHA
Gesha (Geisha) là loại cà phê trở nên rất nổi tiếng trong những năm gần đây với hương vị đặc biệt, đi cùng nhu cầu thưởng thức tăng cao và dĩ nhiên là mức giá cũng không kém phần “đặc biệt”. Nó là loại cà phê thú vị đến mức từ cái tên thôi cũng đủ làm cho người nghe phải kì vọng vào một điều gì đó hay ho bởi hương vị, người viết về nó thì phải đau đầu xem viết là Gesha hay Geisha mới đúng, còn người uống thì luôn chờ đợi một trải nghiệm giác quan mới mẻ. Và cuối cùng, người mua không ngại chi những khoản lớn, thậm chí là lớn nhất từng chi cho một loại cà phê, điều đó vô tình tạo nên một sức hút đặc biệt và cũng không kém thị phi cho loại hạt Àla nhắc đến hôm nay : GESHA (hay GEISHA nhỉ?)
- Gesha hay Geisha mới là tên gọi đúng? Cái tên “Gesha” đến từ cách gọi trong ngôn ngữ Amharic (một loại ngôn ngữ của người bản địa Ethiopia) – gọi tên vùng núi có tên “ጌሻ” – nơi phát hiện ra giống cà phê đó. Tuy nhiên theo thời gian, “Gesha” đã được gọi thành “Geisha” bởi người Anh năm 1936, và cách gọi này cũng trở nên phổ biến hơn, nhất là trong giai đoạn Gesha/ Geisha nổi lên nhờ mức giá cao ngất ngưởng và hương vị đặc biệt khi được giới thiệu bởi các nông trại tại Panama. Những cuộc tranh luận gọi tên thế nào là đúng vẫn rất sôi nổi và có vẻ không có hồi kết, vô tình tạo ra sự thú vị và tò mò nho nhỏ về loại hạt này. Và nếu những tranh cãi về cách gọi Gesha/ Geisha này là một cách để tạo tiếng vang, gây sự chú ý cho người khác…thì ai lại muốn nó kết thúc chứ, nhất là những nông trại, người chế biến, những nhà nhập khẩu và cả nhà rang nữa, chẳng phải đây là một cách tiếp thị đầy tự nhiên hay sao?
- Gesha/ Geisha có liên quan đến nguồn gốc hay văn hoá Nhật Bản? Mình có vài người bạn Nhật Bản không làm trong ngành cà phê, họ đã tỏ ra rất bất ngờ khi thấy những bịch cà phê được dán nhãn Geisha và được trang trí theo phong cách Nhật Bản. Tìm hiểu thêm về nguồn gốc thì chắc chắn loại cà phê này KHÔNG CÓ LIÊN QUAN GÌ đến văn hoá Geisha hay bất kì thứ gì nguồn gốc từ Nhật Bản. Có chăng những người marketing, người uống bằng cách nào đó đã lãng mạn hoá để cố tình gợi lên sự liên kết về sự bí ẩn, quyến rũ và chất lượng của cà phê Gesha/ Geisha đến văn hoá Geisha của Nhật Bản. (Nếu tìm thử từ khoá Gesha trên Wikipedia, nhìn thấy một dòng ghi chú ngay trên đầu: “Đừng bối rối/ nhầm lẫn vì tên gọi Geisha”. Bạn có bối rối không? Mình thì có đấy!)
- Sự đặc trưng trong hương vị của Gesha/ Geisha ”Cứ Geisha là đắt đỏ và có hương vị tuyệt vời không lẫn đi đâu được” – Điều này hoàn toàn KHÔNG ĐÚNG. Geisha mang những nốt hương vị đặc trưng của hoa nhài, hoa hồng, chanh, đu đủ hay ổi hồng… Dù sao đây cũng chỉ là một loại giống cà phê (nằm trong các giống: Geisha 1931, Gori Geisha, Illubabor Forest), nên mọi yếu tố từ trồng trọt, thu hái, chế biến, cách rang… sẽ tác động rất nhiều đến hồ sơ hương vị của hạt. Geisha village tại Ethiopia, Geisha tại Colombia, Geisha tại Panama…tất cả sẽ có những đặc trưng hương vị riêng, đi kèm với những mức giá cũng rất khác nhau dù nhìn chung cũng khá cao, trung bình từ khoảng 1 triệu – 4 triệu/kg hạt đã rang. Hương vị có xứng với mức giá ấy không? Bạn hãy thử và đánh giá nhé!
- Sự quý giá và khan hiếm của Gesha Dẫn đầu về điểm số trên trang đánh giá của hiệp hội chất lượng cà phê (CQI) vẫn là Geisha từ Panama: 89,58/100 Do nguồn cung cấp hạt có hạn và nhu cầu thưởng thức Geisha ngày càng tăng cao làm Geisha càng trở nên quý giá và đắt đỏ. Cũng vì quý giá và đắt đỏ, Geisha lại càng được săn đón, chờ đợi hơn. Một lần nữa điều này lại tạo nên nhu cầu thưởng thức tăng cao – và giá cả lại tăng, thở thành một vòng lặp không hồi kết qua mỗi năm. Hãy là một người yêu cà phê thông thái, chọn đúng nguồn bán với giá hợp lý cùng chất lượng bạn nhé! (Àla đang có mẫu Geisha từ Geisha village bạn nhé!)